LỊCH SỬ TRÀ ĐẠO TRUNG HOA (1)

LỊCH SỬ TRÀ ĐẠO TRUNG HOA (1)
Ngày đăng: 02/03/2021 09:30 PM

    Trung Quốc là quê hương của rất nhiều loại trà. Từ xa xưa, trồng trà và uống trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong bất kì gia đình Trung Quốc nào. Cùng với sự tiến bộ và những thay đổi của đời sống, văn hóa, lịch sử. Việc uống trà đã được nâng lên thành thưởng thức trà và đỉnh cao nhất là phát triển thành văn hóa trà đạo.

    Người Trung Quốc có câu “Trong nhà có 7 thứ: củi, gạo, dầu, muối, tương, dấm, trà”. “Trà” tuy bị xếp vào vị trí cuối cùng trong các nhu yếu phẩm trong cuộc sống thường nhật của con người. Nhưng bởi người Trung Quốc có một tập quán lâu đời là “Ăn xong uống một tách trà”, cho nên Trà có nội hàm văn hóa và lịch sử rất sâu sắc. Dân tộc Hoa Hạ là nguồn gốc của trà và là cái nôi của văn hóa trà, do đó trà đã làm bạn với dân tộc Trung Hoa suốt 5000 năm qua. “Nhất bôi xuân lộ tạm lưu khách, lưỡng dịch thanh phong kỷ dục Tiên” (Tạm dịch: “Một chén trà xuân tạm giữ khách, một cuộc sống thanh bạch làm người ta muốn trở thành Tiên”). Khách tới nhà thì mời trà là truyền thống đẹp của người Trung Hoa.

    Từ thời nhà Thương – Chu, trà chủ yếu được dùng làm thuốc chữa bệnh, nó chỉ chính thức được coi như một thức uống khi đến thời nhà Hán. Cho đến thời kỳ Tam Quốc Lưỡng Tấn, tục uống trà đã dần hình thành, và được du nhập vào cung đình, trong giới đại sĩ phu và văn nhân, trà được coi là thức uống tuyệt vời nhất để tiếp đãi khách. Đến thời nhà Đường, tục uống trà không những được lan rộng đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, mà nó còn được người dân coi như một hoạt động nghệ thuật cần tăng cường sáng tạo, nghiên cứu và thưởng thức.

    Trà Quản (quán trà), thời xưa còn được gọi là Trà Liêu, Trà Tứ, Trà Phố.v..v…, bắt đầu xuất hiện vào thời Đường – Tống và đặc biệt được thịnh hành trong thời Thanh. Thời nhà Thanh, không những số lượng các quán trà xuất hiện ngày càng nhiều, mà cách thức kinh doanh cũng vô cùng linh hoạt. Ngoài việc cung cấp nước trà cho khách hàng, thì các quán trà còn mở thêm nhiều dịch vụ khác như: phục vụ ăn sáng, phục vụ các món ăn vặt, thậm chí có những quán trà còn tính riêng tiền trà và tiền nước, vì thế khách hàng có thể tự mang trà của mình từ nhà đến, và chỉ cần trả một ít tiền nước là được.

    Trong quán trà, người ta có thể cùng bạn bè thưởng thức ấm trà, nhưng cũng có thể chỉ ngồi một mình nhâm nhi chén trà; có thể nghỉ ngơi một vài phút, cũng có thể ngồi cả ngày; có thể xem đánh cờ, ngắm hoa tươi, bình sách, chơi chim; cũng có thể trao đổi tin tức, bàn chuyện kinh doanh. Mỗi quán trà đều mang những đặc điểm và hương vị riêng phù hợp với khẩu vị của từng người, vì thế, cho dù giầu sang hay hèn mọn, có học hay vô học, hiền tài hay ngu dốt, thì tất cả bọn họ đều có chung một sở thích đó là đến các quán trà. Trong thời kỳ này, việc “bao” một quán trà đã trở thành một trào lưu trong xã hội, nghỉ ngơi và thưởng thức cái đẹp được người dân coi như một sự hưởng thụ tuyệt vời nhất, việc kết hợp giữa thú uống trà với các hoạt động vui chơi giải trí cũng ngày càng phát triển hơn.

    Văn hóa trà phản ánh đặc điểm của văn hóa truyền thống phương Đông – sự kết hợp của “trà” và “Đạo”. Thời Trung Hoa cổ xưa, Đạo hiện diện trong tất cả các ngành nghề, và mọi người cũng quan tâm đến việc theo Đạo. Vì vậy, cũng có Đạo trong việc nếm trà.

    Trà Đạo cụ thể là “hài hòa, tĩnh lặng, mãn nguyện và trung thực”, và xem “tĩnh lặng” là một cách thức để đạt đến trạng thái vô ngã. Sự yên lặng trong trà Đạo Trung Hoa là nói đến sự tĩnh lặng trong các cảnh giới tâm linh, cùng với sự yên lặng hay thanh thản bên ngoài. Miễn là duy trì sự yên tĩnh bên trong tâm hồn, ta vẫn có thể thưởng thức những câu chuyện, vui cười, và thưởng thức âm nhạc.

    Văn hóa trà là một loại “văn hoá trung gian”, nơi mà trà có chức năng làm vật mang để truyền tải và tiếp tục tinh thần của văn hoá truyền thống của Trung Hoa. Giống như Lưu Trinh Lượng đời nhà Đường nói về 10 đức hạnh trong uống trà: “Trà mang theo đạo và trà có thể tinh luyện ý chí con người”.

     

    Hotline