LƯỢC ĐÀM VỀ LỤC - SÁT - TINH

LƯỢC ĐÀM VỀ LỤC - SÁT - TINH
Ngày đăng: 29/06/2021 02:47 PM

    LƯỢC ĐÀM VỀ LỤC - SÁT - TINH

    Nguyên tác: Tử Vi đẩu số Mệnh lý học (bản năm 2019)

    Tác giả: Lệnh Đông Lai

    Dịch và bình chú: Hà Phong

    Trong Tử Vi Đẩu Số, có 6 sát tinh chủ yếu, chính là những tinh diệu mà chúng ta quen thuộc: Kình Dương, Đà La, Hỏa Tinh, Linh Tinh, Địa Không, Địa Kiếp.

    Tôi (Lệnh Đông Lai) trước đây đã từng ví dụ: nếu như lấy Mệnh-chủ (là con người) ví với con báo trên đại thảo nguyên của châu Phi (chú ý báo là loài vật nhanh nhất ở trên cạn), thì Kình Dương sẽ tương đương với sư tử, còn Đà La thì sẽ là linh cẩu. Bản chất của 2 sao Kình Dương, Đà La thuộc về "sự tranh chấp/bất hòa đến từ việc tranh đoạt lợi ích".

    Ai đã từng xem chương trình "Thế giới động vật" đều biết, một con báo sau khi săn mồi thành công, thường thường sẽ phải đối diện với 2 sự uy hiếp lớn; một là sự cướp đoạt "trắng trợn" của sư tử, hai là sự "quấy nhiễu" của linh cẩu. Nói cách khác; Kình Dương thuộc về "minh tranh" (tranh chấp minh bạch), là sự uy hiếp hiển hiện trước mắt, có thể lập tức giải quyết (giải quyết thành công hay không lại là việc khác); còn Đà La thuộc về "ám đấu", Mệnh-chủ có thể quan sát thấy, nhưng lại rất khó để giải quyết, là bởi vì muốn xử lý "ám đấu", thực sự rất phiền hà.

    Đối diện với Kình Dương; hoặc là chủ động kịch chiến để bảo vệ thành quả; hoặc là chủ động vứt bỏ để bảo tồn thực lực của chính mình. Trong tình huống này, không có lựa chọn nào khác.

    Đối diện với Đà La, nếu như chủ động chiến đấu, thường thường lại chẳng có tác dụng. Giống như việc một con báo phải đối mặt với 5-6 con linh cẩu, đối phương không ép mình quá mức, nhưng cũng không hề có ý buông tha; mà là kiên nhẫn chờ thời cơ, không ngừng quấy nhiễu, sử dụng xa-luân-chiến. Lấy 1 chọi với 5, một con báo có thể giết chết được 2-3 con linh cẩu, nhưng cũng phải chịu sự tổn hại rất lớn (cả về con mồi đã săn được, cả về bản thân), thực sự là không đáng.

    Chú ý, bất luận là Kình Dương hay Đà La, điều biểu thị tranh chấp, bất hòa cụ thể (xác định được một cách rõ ràng), người trong cuộc đều có thể nhìn ra, hoặc cảm nhận được. 2 tinh diệu này cũng biểu thị "có tiểu nhân". Kình Dương là chủ động gây sự/khiêu chiến, hành động trước để mà chế trụ người (tiên phát chế nhân); Đà La thì trong bóng tối mà "nhìn chòng chọc", là ở sau lưng mà làm việc xấu, thuộc về phong cách hành động sau mà mong giành thực lợi (hậu phát chế nhân).

    ---

    Về Hỏa Tinh và Linh Tinh. 2 tinh diệu này không giống như Kình Dương và Đà La, đều mang nhiều đặc điểm của "sự hư dối", "không dễ nắm bắt".

    Ở Phúc Kiến có một thành ngữ rất đáng để suy ngẫm "đã tận nhân sự (tận lực), mà vẫn còn phải xem thiên mệnh" (但尽人事, 各凭天命).

    Kình Dương, Đà La có thể xem là vấn đề thuộc về "nhân sự", bởi vì bất hòa, tranh chấp đều đến từ "người cụ thể" (nhân) hoặc "việc cụ thể" (sự); nếu như có thể dùng trí tuệ và thủ đoạn, thì vẫn có thể giải quyết được.

    Nhưng vấn đề do Hỏa Tinh, Linh Tinh đưa tới, thường thường là thuộc về "thiên mệnh", thật khó trốn tránh, thật khó thoát ra.

    Tôi ưa thích lấy sự đấu tranh sinh tồn của động vật để mà hình dung về con người, chẳng phải còn người là có phần "con" hay sao? Xem ra người và động vật sự khác biệt không phải là quá lớn, chỉ là loài người rất phức tạp, biến-số vì vậy thành ra cũng rất nhiều, mà thôi. Dưới đây lại mang loài báo ở đại thảo nguyên châu Phi mà luận bàn.

    Một con báo, ngoài việc phải đối diện với sự "cạnh tranh" đến từ sư tử, linh cẩu, và từ chính đồng loại ra, lại còn phải đối phó với sự cản trở và thống khổ do môi trường bên ngoài tạo ra (ngoại giới). Trên đại thảo nguyên châu Phi, có mùa mưa và mùa khô, điều này là thuộc về biến hóa của thời-hậu (thời tiết và khí hậu). Nhưng sự biến hóa của thời-hậu thường thường không ổn định: rất nhiều khi mùa mưa tới trễ (bất cập), mà thời gian mưa lại ngắn; rất nhiều khi mùa khô tới sớm (thái quá), lại thêm thời gian khô hạn lại kéo dài. Đây đều là sự biến hóa bất lợi.

    Thời-hậu biến hóa, tuy nói rằng không trực tiếp gây họa mãnh liệt hay dai dẳng giống như sư tử, linh cẩu, nhưng thường thường sẽ khiến cho con người (con báo ấy mà) phải chịu sự thống khổ. Là vì không có phương cách nào để giành được sự chủ động.

    Hỏa Tinh, Linh Tinh có thể được hiểu là "sự tổn thương" mà sự biến đổi của hoàn cảnh mang lại; và mở rộng là các tổn thương, trắc trở, phiền hà khó tránh khỏi, khó phòng ngừa khác.

    Sự biến hóa của Hỏa Tinh, là rõ ràng, là dễ quan sát ra được sự biến đổi; ví dụ như sự bất bình thường của mùa mưa, mùa khô.

    Sự biến hóa của Linh Tinh, là thuộc về "âm ám", người trong cuộc nhìn không ra được sự biến đổi, giống như lúc mưa, nắng vẫn đúng lệ thường, nhưng môi trường sống của loài báo đã phát sinh những biến hóa bất thường, như là lượng nước sông trở nên ít ỏi, thậm chí là khô cạn; hoặc chính bản thân con báo có bệnh tật, khiến cho nó không có sức mà đi săn mồi; hoặc lại đúng vào thời kì động dục hoặc mang thai hoặc nuôi con nhỏ, lúc này có muốn đi săn, cũng vẫn phải bảo vệ báo con, áp lực sinh tồn đột nhiên tăng mạnh.

    Bất luận là tình huống do Hỏa Tinh hay Linh Tinh gây ra, đều biểu thị tình-cảnh càng ngày càng biến đổi xấu, khiến cho cảm thấy "nóng như lửa đốt".

    Nói một cách tương đối, lực bạo phát của Hỏa Tinh rất mạnh, nhưng đến nhanh đi cũng nhanh; lực bạo phát của Linh Tinh yếu, nhưng lại dằng dai không dứt. Tóm lại mà nói, 2 tinh diệu này đều thuộc về sự biến đổi, biến hóa của ngoại-giới và bản thân. Sự biến hóa này khó mà tránh khỏi, giống như sự bất thường/thất thường trong đời người, giống như sự trắc trở/gập ghềnh của mệnh-vận (đường đời).

    Người mà Hỏa Tinh, Linh Tinh chia nhau ra nằm ở cung Mệnh, cung Phụ Mẫu, đa phần cha mẹ ly hôn, hoặc bản thân Mệnh-chủ duyên phận với song thân không sâu đậm, có thể còn có mâu thuẫn. Cho dù Hỏa/Linh không nhập vào cung Mệnh, chỉ có 1 tinh diệu nằm ở cung Phụ Mẫu, cũng thường thường biểu thị từ nhỏ đã rời xa cha mẹ, mà rồi không được hưởng tình yêu thương của đấng sinh thành.

    Sự biến hóa của Hỏa Tinh, Linh Tinh, người học Tử Vi ngàn vạn lần không thể xem nhẹ. Người có Hỏa Tinh, Linh Tinh giáp 2 bên cung Mệnh, cổ thư thường xem là "bại cục", điều này là vì khi Hỏa Linh giáp Mệnh, nếu gặp vận thế không tốt, khi đột nhiên bị sát, kị dẫn động, sẽ dẫn đến sự biến đổi "nghiêng trời lệch đất" (天翻地覆). Dạng biến hóa này, thường có thể khiến cho một nhà giàu có tới trăm vạn, trở nên tay trắng, không có chỗ dung thân.

    Giống như mệnh-bàn của Trần Thủy Biển (Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, hay gọi là Đài Loan cho lẹ đi ^^), Mệnh là Cự Môn Văn Xương tại cung Ngọ, bị Hỏa Linh giáp 2 bên. Trần Thủy Biển vốn ở nơi địa vị rất cao, nhưng theo như "bản án", thì ông ta năm 2008 buộc phải từ nhiệm (đại-vận khiến Cự Môn hóa Kị), không những đã mất đi quyền lực mà về sau còn gặp phải sự biến hóa "long trời lở đất" mà trở thành "tù nhân", lại còn thêm bị nhiều người cô lập, công kích, nhục mạ.

    Nhưng mà, sự biến hóa không phải lúc nào cũng là xấu. Giống như "thương nhân" Tham Lang rất thích sự biến hóa, nếu như vật giá không biến đổi, thì tìm không ra được lợi ích; còn nếu như vật giá biến đổi thất thường, thương nhân sẽ có kẻ dám đầu cơ tích trữ, cho nên mới có thể "chỉ trong một đêm mà thành đại phú". Vì thế, khi Hỏa Tinh, Linh Tinh phối hợp với Tham Lang, nếu như lại có Lộc Tồn, Hóa Lộc thì chính là cấu thành cách cục trứ danh "Tham Hỏa", "Tham Linh" vậy.

    Trên thị trường đầu cơ, thì các chuyên gia giao dịch cũng ưa thích thị trường đầy biến động, mua thấp bán cao, rồi từ đó mà tiền bạc đầy túi (xem ra phải nói là tài khoản tang phi mã mới đúng với thời cuộc).

    Ở đây, cũng hi vọng người học đừng nhất nhất câu nệ phân biệt cát với hung. Cát-tinh cũng có thể hung, mà hung-tinh cũng có thể cát.

    Ví dụ như Kình Dương, Đà La đối với lãnh đạo trong quân đội, công an, cảnh sát, tư pháp... mà nói thì thường có thể luận là cát-tinh. Là bởi vì tranh chấp, va chạm là bản chất của các ngành nghề trên; chính là nhờ đối diện, giải quyết tranh chấp, va chạm mà đạt được lợi ích, mà có được sự thăng tiến. Lấy ví dụ như cảnh sát, là nhờ vào việc điều tra đầu mối, rồi từ đó phá án; nếu như không Kình Dương, Đà La thì cũng nghĩa là không có tội phạm để bắt, không có vụ án để phá, thì thật là... nhàn rỗi.

    ---

    Dưới đây lại nói đến Địa Không Địa Kiếp.

    Xét một cách nghiêm cẩn thì Địa Không, Địa Kiếp không thể nhất mực coi là sát-tinh. 2 sao này đều là tinh diệu "nặng nề về phương diện tinh thần". Nhưng nếu như đóng ở cung Tài Bạch, hoặc phối hợp với tài-tinh, thì sẽ dẫn đến tài khí bị phá tổn nghiêm trọng.

    Cổ nhân có câu: "Địa Không thì giống như chèo thuyền giữa sóng, Địa Kiếp lại là giữa trời gẫy cánh".

    Ở vào tình huống chèo thuyền giữa sóng, nếu như kỹ thuật của người cầm lái cao siêu, vẫn có thể giữ được sự an toàn; nhưng nếu đó là kẻ "ham ăn lười làm" chẳng có năng lực, tất nhiên là "thuyền nát người vong".

    Cho nên khi luận Địa Không, nhất định phải phối hợp với các tinh diệu khác mà đoán định, cũng chính là cái hàm ý "gặp cát thì cát, gặp hung là hung" (逢吉则吉, 逢凶则凶). Hoàn cảnh hung, người được cát, vị tất đã là hung; hoàn cảnh hung, người cũng hung, tất định phải hung.

    Thực chất, tất thảy các tinh diệu đều cần phải xem xét nó ở trong tổ hợp, ở trong kết cấu (chứ không chỉ với Địa Không), thế nhưng đối với người sơ học, tất cần học cách đi, rồi mới có thể học cách chạy. Cho nên tôi vẫn cứ đem Địa Không, Địa Kiếp bóc tách riêng rẽ, mà dành tới quí bạn.

    Đối với Địa Không, cần phải nắm cho được đặc điểm "Không" của nó. Từ "Không" mà đến, cũng từ "Không" mà đi.

    Điều này giống như một con báo, bỗng vô duyên vô cớ được người trên trực thăng thả xuống thức ăn; hoặc tự nhiên trên đường vô tình mà có được hươu cao cổ hay thỏ rừng đã chết vì lý do nào đó, lúc này liền bỗng dưng được no say một bữa (tất nhiên là no thôi, say là dịch giả thêm vào, để hầu chuyện quí bạn đó mà). Đấy chính là một trong những "hiệu quả" mà Địa Không tạo ra.

    Nhưng đồng thời, chúng ta sẽ không được quên, Địa Không đã vô cớ mang đến mối lợi, thì cũng sẽ vô duyên mà đem tới sự mất mát. Đạo lý này rất giản dị, một người chẳng tốn chút hơi sức nào mà nhặt được tiền, thì cũng có thể thình lình làm mất tiền.

    Cho nên, lúc luận Địa Không, chúng ta cần phán đoán "có được điều gì" và/hoặc "mất đi cái gì". Đây là điểm then chốt, Địa Không có thể khiến cho các tinh diệu đồng cung với nó phát sinh sự cải biến rất rõ ràng.

    Địa Không, Địa Kiếp đều có xu hướng đi ngược vào trào lưu (phản truyền thống, phản đám đông), biểu thị không tìm con đường "thông thường" mà đi. Thí dụ như Địa Kiếp ở cung Tài Bạch, sẽ dẫn tới con đường kiếm tiền có đặc thù, không giống với người thường.

    Thời cổ đại, Địa Kiếp là tinh diệu không được ưa thích, nhưng ở thời đại ngày nay không thể luận như xưa được nữa. Đơn giản có thể ví dụ như này, Địa Kiếp chính là khuynh hướng đi ngược xu hướng của các bạn 9x (thêm cả 0x đi cho...vui), khuynh hướng này không mấy khi được lớp người cũ tán đồng. Nhưng chính sự sáng tạo, chính lối đi mới của các bạn 9x lại có thể tạo ra cơ hội rất lớn trên thương trường, ví dụ như các nghề: thiết kế thời trang phong cách dị biệt, những đồ chơi kì quái đời mới, và các ngành nghề đặc thù khác,... đã tạo ra những nghệ nhân, nghệ sĩ, chuyên gia kiểu mới, và có được nhiều thành tựu chẳng kém gì những lĩnh vực truyền thống.

    Đối với Địa Kiếp, quan trọng nhất là nắm được cái hàm ý "ngành mới", "ngành hiếm", "đặc thù", "bị cướp đoạt", "chịu tổn thất",... của nó.

    Địa Kiếp cũng có yếu tố của "Không", từ "Không" mà đến, từ "Không" mà đi. Địa Kiếp lại có đủ cái sức mạnh của sự "lôi kéo, dẫn dụ"; Địa Kiếp có thể mang toàn bộ sức mạnh của nó mà đi trên con đường "lệch khỏi quĩ đạo thông thường". Khác với Địa Không, thì Địa Kiếp tương đối khó làm thay đổi "bản chất" của các tinh diệu khác.

    Cung Mệnh, cung Thân, cung Tài Bạch, cung Quan Lộc, cung Thiên Di nếu như có Địa Không, Địa Kiếp mà lại còn gặp nhiều sát-tinh, Hóa Kị thì biểu thị tiền tài, sự nghiệp lên xuống bất định (起伏不定), vào lúc hành vận bất lợi sẽ có thể có phá bại rất lớn, đây chính là chính là cái hàm ý "giữa trời gẫy cánh", "giữa sóng chèo thuyền" vậy.

    ---

    Kình Đà, Linh Hỏa, Kiếp Không sơ lược đến đây là đã đủ rồi. Vẫn cứ là một câu nói cũ: nếu như hiểu thấu được đạo lý trong đời sống thường ngày, thì cũng sẽ thấu đáo được nguyên lý của Tử Vi Đẩu Số. Học những môn thuật-số, không ít thì nhiều sẽ cần phải có kinh nghiệm trong xã hội và sự lịch duyệt của đời người, không thể khác được.

    Lúc mới học Tử Vi Đẩu Số, tính-tình của từng tinh diệu là rất trọng yếu; rồi sau mới có thể đem toàn bộ tổ hợp mà luận xét. Cho nên đối với người sơ học mà nói, nếu đến cả tính chất cơ bản của từng tinh diệu mà không hiểu rõ, thì không có cách nào xem được cách-cục vậy.

    Tiếc là trong thực tế, cũng có nhiều kẻ chỉ biết được một vài tính chất cơ bản của tinh diệu, đã lại đã dám đem nó mà thi thố với đời, mà luận cho người.

    Hotline